Ứng dụng STEM trong Giáo dục Mầm non tại Việt Nam
1. Bối cảnh
Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT rất cần thiết phải tiếp cận với khoa học, công nghệ. Do đó, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nêu rõ: “Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông ngay từ năm học 2017-2018”. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông” (Thủ tướng Chính phủ, 2017). Để hiện thực hoá chỉ thị trên, trong suốt những năm qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực không ngừng để cải cách, chủ động tiếp cận với phương pháp giáo dục mới, hiện đại và hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có giáo dục STEM. STEM là thuật ngữ được viết tắt của các từ: Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kĩ thuật) và Math (toán học). Trong vài năm trở lại đây, giáo dục STEM chuyển sang STEAM vì ngoài 4 thành tố trên thì giáo dục STEAM có thêm Art (Nghệ thuật). Đây là phương pháp giáo dục cho người học những kiến thức và kĩ năng cần thiết được tích hợp lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp HS không chỉ đơn giản là hiểu được nguyên lí mà còn có thể áp dụng để thực hành. Do đó, giáo dục STEAM vào hoạt động học tập ngày càng trở nên cần thiết
2. Giáo dục STEAM trong hoạt động học của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
- Lập kế hoạch hoạt động tích hợp STEAM vào chương trình giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi: Tích hợp các bước STEAM: Tìm hiểu vấn đề; Khám phá và giải pháp; Thảo luận, lên kế hoạch hoạt động; Thiết kế; Chế tạo theo thiết kế; Đánh giá và trình bày vào chương trình giáo dục mầm non (GDMN) theo các ngày trong tuần một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình thực tế tại nhà trường. Mỗi dự án STEAM có thể được thực hiện trong 1 tuần. GV có thể áp dụng trình tự trên để thực hiện các dự án khác phù hợp với chủ đề nhánh của tuần.
Phương pháp tổ chức giáo dục STEAM trong hoạt động học của trẻ 5-6 tuổi: Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề: là phương pháp trong đó GV tạo ra những tình huống có vấn đề, điều khiển trẻ phát hiện vấn đề, hoạt động tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề và thông qua đó chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng và đạt được những mục đích học tập khác.
+ Phương pháp dạy học tìm tòi khám phá theo mô hình 5E: dựa trên thuyết kiến tạo (constructivism) của quá trình học, theo đó trẻ xây dựng các kiến thức mới dựa trên các kiến thức hoặc trải nghiệm đã biết trước đó (Bộ GD-ĐT, 2019, tr 44-45).
+ Phương pháp dạy học dựa trên thiết kế: trong học tập qua thiết kế, trẻ được GV trình bày một vấn đề xác thực có cấu trúc lỏng lẻo, trẻ cần phải thiết kế/nghĩ ra một sản phẩm giúp giải quyết vấn đề đó.
+ Phương pháp dạy học dự án: Trẻ em được hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề thực tiễn. Dạy học dự án chú trọng đến quá trình hoạt động để phát triển tư duy hơn là tạo ra sản phẩm.
- Kĩ năng STEAM mong đợi đối với trẻ 5-6 tuổi: Được đánh giá thông qua quá trình phát triển của trẻ gồm các kĩ năng: giao tiếp hiệu quả; xây dựng kiến thức; sử dụng công nghệ; tư duy thiết kế; làm việc nhóm; tự hoàn thiện.
3. Tổng kết
Giáo dục STEAM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho HS những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn, qua đó phát triển cho HS năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề cùng với những năng lực khác tương ứng… (Tạ Kim Chi, 2020). Do đó, giáo dục STEAM trong dạy học là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là đối với GDMN.